Thăm dò ý kiến
Nhận xét của bạn về cổng thông tin điện tử Viện cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch
Liên kết website
Số người truy cập
Online:  4 người
Lượt truy cập :  467128 lượt
 
Một số kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Viện cơ điện nông nghiệp và Công ghệ sau thu hoạch. Định hướng phát triển trong thời gian tới

Bài viết của PGS.TSKH Phan Thanh Tịnh, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đăng trong Kỷ yếu 40 năm thành lập của Viện

Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch được thành lập theo Quyết định số 57/2003/QĐ/BNN/TCCB ngày 11/4/2003 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT trên cơ sở hợp nhất Viện Cơ điện nông nghiệp và Viện Công nghệ sau thu hoạch. Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch là cơ quan nghiên cứu khoa học đầu ngành, có nhiệm vụ nghiên cứu phát triển công nghệ và các loại trang thiết bị máy móc phục vụ quá trình sản xuất nông nghiệp, bảo quản và chế biến nông sản, thúc đẩy sản xuất theo hướng thâm canh, tăng năng suất, giảm chi phí lao động, tăng giá trị nông sản hàng hoá, góp phần vào sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn.

Với chức năng nhiệm vụ của mình, đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học của Viện đã có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn, tích cực lao động sáng tạo nên đã hoàn thành tốt hàng trăm đề tài cấp Nhà nước và cấp Bộ, thực hiện nhiều hợp đồng với cơ sở, tạo ra hàng trăm mẫu máy, dây chuyền thiết bị và công nghệ, ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trên nhiều lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và chế biến, bảo quản nông lâm sản.

I. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC & CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

1.1. Lĩnh vực cơ điện nông nghiệp

1. Viện đã nghiên cứu xây dựng định hướng chiến lược phát triển cơ điện nông nghiệp phục vụ sản xuất, chế biến nông lâm thuỷ sản trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn cho 18 tỉnh và thành phố thuộc 7 vùng kinh tế nông nghiệp.

2. Nghiên cứu thiết kế kết hợp kế thừa những thành tựu của các nước tiên tiến để đưa vào sản xuất các hệ thống di động và máy làm đất cỡ nhỏ liên hợp với máy kéo nhỏ 2 bánh 4-12 mã lực như máy kéo thuyền, phay lồng, cày diệp, cày đĩa phục vụ khâu cơ giới hoá làm đất qui mô vừa và nhỏ phù hợp với điều kiện đồng ruộng sau khoán hộ. Trên cơ sở những mẫu máy thiết kế đầu tiên của Viện, ngành cơ khí chế tạo ở các địa phương đã tổ chức sản xuất hàng loạt, đảm bảo cho nhu cầu làm đất bằng cơ giới ở các địa phương.

3. Nghiên cứu xây dựng qui trình và hệ thống thiết bị cơ giới hoá toàn bộ quá trình sản xuất mạ khay theo hướng sản xuất mạ hàng hoá, một phần chủ động được mạ cấy không bị ảnh hưởng thời tiết, tăng năng suất lúa 15-20%, giảm chi phí đất mạ, chi phí làm mạ, từng bước góp phần thay đổi tập quán từ làm mạ dược sang làm mạ khay để phục vụ cho cơ giới hoá khâu cấy lúa sau này.

4. Nghiên cứu ứng dụng hàng chục cỡ kiểu bơm nước tưới tiêu nội đồng cho sản xuất nông nghiệp. Viện là đơn vị đề xuất và thử nghiệm thành công những mẫu bơm hướng trục cỡ vừa và nhỏ (250-1500 m3/h) rất phổ biến trong sản xuất, cũng như hàng chục mẫu bơm nước trục xiên, bơm ly tâm, bơm hỗn lưu, bơm thuyền, trạm bơm nổi công suất vừa và nhỏ thích hợp cho các địa hình khác nhau ở đồng bằng và trung du miền núi, đã đóng góp không nhỏ cho tưới tiêu nội đồng ở các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ.

5. Đã xây dựng và triển khai vào sản xuất các qui trình và hệ thống máy cơ giới hoá làm đất, chăm sóc ban đầu theo hướng thâm canh bảo vệ đất cho cây công nghiệp vùng nguyên liệu như mía, dứa, bao gồm các máy làm đất, rạch hàng, bón phân, xới chăm sóc, băm thân lá.

6. Viện đã tập trung nghiên cứu và đưa vào sản xuất những mẫu máy phục vụ khâu thu hoạch như máy đập lúa liên hoàn, máy tẽ ngô, phân loại-làm sạch hạt thay thế cho các công cụ đập tuốt hạt trước đây. Những máy thu hoạch này ngày càng được phát triển, hoàn thiện và phổ biến rộng rãi ở các địa phương, cơ bản giải quyết được nhu cầu đập tuốt lúa bằng máy hiện nay. Song song với các máy thu hoạch tĩnh tại, Viện cũng đã nghiên cứu và thử nghiệm vào sản xuất một số máy thu hoạch trên đồng như máy gặt lúa rải hàng, máy liên hợp thu hoạch lúa, liên hợp thu hoạch ngô, để phục vụ cho công nghệ thu hoạch một giai đoạn tiên tiến trong thời gian tới nhằm tăng năng suất lao động, giảm hao hụt trong thu hoạch.

7. Phục vụ cho Chương trình giống quốc gia, Viện đã tổ chức thiết kế, chế tạo và xây dựng qui trình công nghệ cho dây chuyền chế biến hạt giống (lúa, ngô, đậu đỗ) có chất lượng sản phẩm cao, giá thành thấp (chỉ bằng 20-30% nhập ngoại), gần 20 dây chuyền thiết bị đồng bộ đã được lắp đặt tại các tỉnh, góp phần không nhỏ cho việc đảm bảo chất lượng hạt giống trên địa bàn cả nước.

8. Viện đã tổ chức nghiên cứu cả về qui trình công nghệ và hệ thống thiết bị đồng bộ để chế biến một số nông sản có giá trị kinh tế như chế biến chè xanh, chè đắng, chế biến cà phê, chế biến đậu tương qui mô vừa và nhỏ, tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương, thu hút lao động, tăng giá trị nông sản.

9. Phục vụ ngành chăn nuôi, từ nhiều năm nay các đề tài/dự án KHCN của Viện đã tập trung giải quyết chế biến các loại thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản (dạng bột, dạng viên, cắt thái, đóng bánh). Tính đến nay, Viện đã chuyển giao vào sản xuất gần 200 dây chuyền chế biến thức ăn chăn nuôi qui mô từ 0,5-5 tấn/h với các cấp độ cơ giới hoá, tự động hoá khác nhau. Những thiết bị này có nhiều ưu điểm so với nhập ngoại như qui mô phù hợp, giá thành thấp, tận dụng được các nguồn nguyên liệu địa phương, góp phần không nhỏ cho việc phát triển chăn nuôi ở các địa phương.

10. Trong sơ chế, bảo quản, Viện đã hình thành nhiều đề tài nghiên cứu các loại máy sấy nông sản khác nhau cho các đối tượng khác nhau như các loại máy sấy hạt dạng tĩnh. máy sấy tháp, máy sấy buồng; các mẫu máy sấy rau quả như sấy vải quả, sấy long nhãn, sấy rau gia vị, củ quả thái lát... theo hướng công nghệ cao và sấy sạch. Đã nghiên cứu, áp dụng thành công công nghệ lò đốt tầng sôi sử dụng các phế thải nông nghiệp để tạo nhiệt cho các quá trình làm khô và chế biến nông sản.

1.2. Lĩnh vực công nghệ sau thu hoạch

1. Nghiên cứu đánh giá và phân tích chất lượng nhiều loại nông sản, trong đó tập trung cho các giống lúa, gạo, ngô, khoai sắn, rau quả, giúp cho việc tuyển chọn giống đạt được những thành phần dinh dưỡng mong muốn, cho công tác chế biến thu được những sản phẩm ngày càng tốt hơn.

2. Xây dựng một số công nghệ và phương tiện bảo quản nông sản dạng hạt, dạng củ, rau quả qui mô tập trung làm nguyên liệu chế biến và qui mô hộ cho nông dân, góp phần giảm tổn thất sau thu hoạch từ 13-16% xuống dưới 12%. Kéo dài thời gian bảo quản, không có tác động gây ô nhiễm môi trường và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

3. Xây dựng công nghệ chế biến cho một số loại nông sản chính như lúa, ngô, cam, quít, xoài, mơ mận, vải nhãn với qui mô vừa và nhỏ.

4. Xây dựng công nghệ sản xuất một số loại thực phẩm ăn liền dưới dạng đóng gói, đóng hộp, phổ biến vào thị trường tiêu dùng trong nước như các loại bột dinh dưỡng, cơm, mì ăn liền, canh chua ăn liền, bột gia vị, cơm sấy cho quốc phòng, các sản phẩm sấy khô, chiên giòn từ củ, quả.

5. Trong lĩnh vực công nghệ sinh học, đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công bước đầu một số chế phẩm sinh học có giá trị thực tiễn cao như thực phẩm lên men, thực phẩm giàu đạm, thuốc trừ sâu sinh học, phân bón vi sinh, phục vụ cho thâm canh, bảo vệ đất chống ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm cho các loại lúa, ngô, đậu đỗ, cây rau màu, cây ăn quả.

6. Nghiên cứu hệ côn trùng, sinh vật hại kho và các biện pháp phòng trừ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và giảm thiểu độc tố nấm mốc trong bảo quản nông sản như lạc, ngô, sắn, thức ăn chăn nuôi.

7. Nghiên cứu một số công nghệ cao trong bảo quản chế biến nông sản như công nghệ bảo quản bằng bao gói có điều chỉnh khí, công nghệ sấy rau quả bằng bơm nhiệt, công nghệ sấy hồng ngoại, công nghệ bảo quản bằng chế phẩm chiết xuất từ thực vật, công nghệ bao bì, bao gói, màng thông minh.

8. Trong 20 năm đổi mới, Viện đã có nhiều cố gắng, tích cực bám sát yêu cầu của thực tế sản xuất, do đó các hoạt động KHCN của Viện đã thu được một số thành tựu đáng kể, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trên nhiều lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và chế biến, bảo quản nông lâm sản.

9. Phần lớn các đề tài sau khi kết thúc nghiên cứu đều được chuyển giao vào sản xuất. Viện đã ký và thực hiện hàng trăm hợp đồng chuyển giao công nghệ với các địa phương. Tổng giá trị các hợp đồng năm sau tăng hơn năm trước. Tỷ lệ doanh thu trong các lĩnh vực là: canh tác thuỷ lợi 25%, bảo quản chế biến nông sản 45% và các lĩnh vực khác khoảng 30%.

1.3. Một số kết quả, sản phẩm nghiên cứu nổi bật

Trong giai đoạn 2001-2008, Viện đã có hơn 30 kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nổi bật, được ứng dụng rất rộng rãi với số lượng lớn, có hiệu quả và mang dấu ấn trong sản xuất. Rất nhiều trong số các tiến bộ kỹ thuật này đó được triển khai quy mô công nghiệp, thay thế phần lớn hoặc hoàn toàn công nghệ nhập của nước ngoài, trong số đó nổi bật là:

· Khâu canh tác, chăm sóc và thu hoạch

1. Qui trình và hệ thống máy làm đất, chăm sóc ban đầu cho cây mía: Quy trình cơ giới hoá làm đất và chăm sóc mía được thực hiện theo hướng thâm canh bảo vệ đất. Hệ thống máy phục vụ cho quy trình bao gồm: Máy băm lá và gốc mía PBL-2,0; Máy bạt gốc mía BG-1; Máy rạch hàng kết hợp bón phân cho mía RHBP-2. Các sản phẩm này đã đạt giải Ba giải thưởng VIFOTECH năm 2002.

- Tính mới, khả năng ứng dụng: Cày sâu không lật làm đất cho mía vùng đồi có tác dụng làm đất, chống hạn và chống úng cục bộ; bạt gốc kết hợp xới móc rễ đáp ứng yêu cầu chăm sóc mía lưu gốc; bón phân kết hợp rạch hàng và vun gốc mía làm tăng hiệu quả chăm sóc và giảm công lao động; phay băm lá sử dụng được phế thải cây mía làm phân bón.

- Hiệu quả KT-XH: Thay thế 20-30 lao động/ca máy; góp phần tăng năng suất mía lên 15-20%; giảm số lượt máy kéo đi lại trên đồng tới 40%.

- Địa chỉ đã áp dụng: Các nông trường Hà Trung và Thống Nhất ở Thanh Hóa; các vùng nguyên liệu mía của các nhà máy đường Hòa Bình, Đồng Nai, Tây Ninh...

2. Qui trình và hệ thống thiết bị sản xuất mạ khay kiểu công nghiệp: Quy trình công nghệ sản xuất mạ thảm trên khay: Khâu đầu tiên là phân loại và ngâm ủ thóc, gieo mộng vào khay nhựa có giá thể (đất bột và phân vi sinh), ủ ấm khay mạ trong nhà, sau đó đưa ra ruộng để xanh hóa mạ, khi mạ được 2,5-2,7 lá, bóc mạ thảm ra khỏi khay để cấy. Dây chuyền sản xuất mạ thảm đồng bộ năng suất 200-500 khay/h bao gồm: băng tải, máy nghiền đất (1,0-2T/h), máy trộn giá thể (0,5-1,5T/h), các bể ngâm ủ, hệ thống tạo và điều khiển nhiệt, thiết bị sục khí thúc mầm, dây chuyền rải đất, gieo mộng bán tự động hoặc tự động.

- Tính mới, khả năng ứng dụng:Công nghệ và dây chuyền sản xuất mạ thảm đồng bộ, quy mô công nghiệp lần đầu tiên được áp dụng có kết quả ở Việt Nam. Được áp dụng đồng bộ từ phân loại, xử lý thóc đến lựa chọn, xử lý đất, tạo giá thể và môi trường tối ưu cho mạ phát triển.

- Hiệu quả KT-XH: Hạn chế được ảnh hưởng của thời tiết, nấm bệnh cho mạ. Giảm chi phí lao động 50%, phân bón 30%, giống 10%, diện tích làm mạ 50%. Tăng năng suất lúa 15-20%. Tạo điều kiện thuận lợi để cơ giới hóa (CGH) khâu cấy bằng máy. Thay đổi tập quán sản xuất mạ theo hướng tiên tiến và hiệu quả hơn.

- Địa chỉ đã áp dụng: Đã chuyển giao cho cơ sở sản xuất mạ tại xã Đồng Nguyên, Từ Sơn, Bắc Ninh (qui mô đáp ứng mạ cho 30-50 ha cấy) và cho Cty TNHH Vĩnh Hòa, Yên Thành, Nghệ An (qui mô đáp ứng 100-150 ha cấy). Hỗ trợ kỹ thuật cho một số hộ sản xuất mạ tại Hợp Lý (triệu Sơn, Thanh Hóa), Trung tâm sản xuất Giống Bình Đức (Long Xuyên, An Giang), Long An...

3. Máy cấy mạ thảm: Máy cấy 6 hàng MC-6-25 và 8 hàng MC-8-20: Năng suất: 0,12-0,15 ha/h; Công suất động cơ: 4 mã lực;

- Khả năng ứng dụng: Phục vụ CGH khâu cấy lúa, đặc biệt thích hợp với 2 vùng trồng lúa chính là đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long;

- Hiệu quả KT-XH: Chủ động thời vụ cấy lúa, giảm nhẹ sức lao động, năng suất cấy máy gấp 25-30 lần cấy tay. Chi phí đầu tư chỉ bằng 40-50% chi phí cấy thủ công. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc và thu hoạch lúa bằng máy. Góp phần tăng năng suất lúa.

- Địa chỉ đã chuyển giao: Chuyển giao hơn 60 máy cấy cho các cơ sở, địa phương: Hà Tây, An Giang, Sóc Trăng, Long An, Cty Giống cây trồng miền Nam, Tiền Giang...

4. Các mẫu máy và thiết bị phục vụ khâu sản xuất cây giống: Hệ thống thiết bị sản xuất giá thể năng suất 0,5-2 tấn/h bao gồm máy đóng bầu mềm với các kích thước bầu khác nhau để sản xuất bầu giống mía và giống cây lâm nghiệp có điều khiển tự động.

- Địa chỉ đã áp dụng: Đã chuyển giao ứng dụng tại Viện Nghiên cứu cây nguyên liệu giấy (tCty Giấy Phù Ninh, Phù Ninh, Phú Thọ) và HTX Thành Vinh (thạch Thành, Thanh Hóa).

5. Các máy thu hoạch ngô bao gồm: Liên hợp thu hoạch ngô; máy tẽ ngô thương phẩm TN-4 và máy bóc bẹ-tẽ hạt BBTH-4.

- Tính mới, khả năng ứng dụng: Liên hợp thu hoạch ngô có thể thu hoạch bắp kết hợp băm thân cây, rải đều trên đồng với năng suất 0,3 - 0,5 ha/h. Các mẫu máy tẽ ngô phù hợp với các vùng chuyên canh ngô như máy tẽ ngô thương phẩm TN-4 và máy bóc bẹ-tẽ hạt BBTH-4 dùng để tẽ các loại ngô có độ ẩm khác nhau, năng suất từ 3-4 tấn/h, độ hư hỏng dưới 2%.

- Địa chỉ đã áp dụng: Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Thanh Hóa, Tây Ninh, Đồng Nai...Viện cũng đã chuyển giao thiết kế cho Cty Cơ điện nông nghiệp và Cty Cơ khí Sơn La, Cơ khí Nam Hồng để chế tạo hàng loạt.

6. Máy thu hoạch mía rải hàng: Máy chặt mía rải hàng CMRH-0,1: năng suất 0,1ha; lắp với máy kéo 12 mã lực, có thể chặt sâu vào đất 20-30 mm, tỷ lệ vết cắt ngọt đạt tiêu chuẩn >80%. Máy bóc lá mía BLM-1.0: năng suất 1T/h, động cơ 6 mã lực. Tỷ lệ giập cây ≤ 3%; Tỷ lệ tạp chất ≤ 5%.

- Hiệu quả KT-XH: giảm 15-20% công lao động/ha. Máy thu hoạch mía nguyên cây nhiều giai đoạn cỡ nhỏ phù hợp điều kiện thu hoạch mía quy mô nhỏ ở một số vùng nguyên liệu mía.

- Địa chỉ đã áp dụng: Cty Mía đường Lam Sơn, Thanh Hóa.

7. Liên hợp thu hoạch lạc: Máy có năng suất 0,2 ha/h, đặc biệt thích hợp với các vùng chuyên canh lạc, tỷ lệ hao hụt thấp.

- Địa chỉ đã áp dụng: Trung tâm sản xuất thực nghiệm Giống Trảng Bàng,Tây Ninh.

- Mức giảm chi phí so với phương pháp thu hoạch thủ công 20%.

- Mức giảm công lao động so với thu hoạch thủ công 90%.

· Khâu chế biến nông lâm sản

1. Các loại máy sấy nông sản: Các loại máy sấy hạt nông sản quy mô từ 0,2-30 tấn/mẻ và các máy sấy rau quả quy mô 50-1.000 kg/mẻ.

- Hiệu quả KT-XH: Đã chuyển giao vào sản xuất gần 700 mẫu máy sấy hạt (lúa, ngô, đậu đỗ, cà phê,...) giá thành chỉ bằng 50-60% so với nhập ngoại, chi phí sấy 80-100 đ/kg nhờ sử dụng năng lượng sẵn có và rẻ tiền (than, trấu, mùn cưa, vỏ cà phê, lõi ngô.v.v..); Đã chuyển giao vào sản xuất khoảng 300-400 mẫu máy sấy rau quả (vải, nhãn, hành, tỏi, xoài, bí đỏ, rau thơm các loại), đảm bảo sấy sạch, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế cao.

- Địa chỉ đã áp dụng: Sấy quả vải tại huyện Yên thế, Lục ngạn Bắc Giang; Sấy ngô, thóc tại 20 xã thuộc huyện Mộc Châu, Yên Châu, Thuận Châu, Mai Sơn, Phù Yên (Sơn La); 20 xã thuộc các huyện Bắc Quang, Đồng Văn, Mường Tè, Yên Minh (Hà Giang); Sấy lúa, ngô giống quy mô 200 kg/mẻ tại 70 điểm của Hà Tây...

2. Các loại kho lạnh bảo quản nông sản và hải sản: Các loại kho lạnh, cấp đông, kho bảo ôn qui mô khác nhau (dung tích kho lạnh từ 10 - 200m3), chế tạo hoàn toàn trong nước, điều chỉnh tự động nhiệt độ và độ ẩm trong kho.

- Tính mới, khả năng ứng dụng: Hệ thống mô-đun hóa, tiết kiệm năng lượng; Thanh trùng kho và nông sản bằng khí Ozôn; Ứng dụng một số chế phẩm bảo quản (R3, TH4) cho rau quả tươi.

- Hiệu quả KT-XH: Phục vụ bảo quản quỹ gen, hạt giống, khoai tây giống, thủy, hải sản, sản xuất sữa; Giá thành chỉ bằng 30-40% giá nhập ngoại; Đảm bảo VSATTP, giảm tỷ lệ tổn thất xuống dưới 10% đối với một số loại quả như vải, cam, bưởi, thanh long, thanh trà.

- Địa chỉ đã áp dụng: Đã chuyển giao hàng trăm mẫu kho cho các cơ sở sản xuất giống, rau, hoa, quả, thủy hải sản trên địa bàn cả nước (ví dụ: Cty TNHH Hồng Dương, Hải Dương; Cty Thương mại XNK Hải Phòng; Kho lạnh bảo quản giống cây trồng tại Yên Định, Thanh Hóa, tại xã Thắng Thủy và Việt Tiến, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng; Kho lạnh bảo quản sữa tại Nhà máy Milklax thuộc Tổng công ty đuờng Lam Sơn tại Lệ Môn, Thanh Hóa.

3. Mô hình sơ chế, bảo quản rau, hoa, quả tươi (Packing house) qui mô tập trung: Bao gồm hệ thống thiết bị chuyên dùng và qui trình công nghệ phù hợp để sơ chế, bảo quản rau, quả, hoa tươi. Năng suất: 10 - 15 tấn/ngày: Máy rửa; Máy phân loại; Máy làm khô bề mặt nguyên liệu; Thiết bị xử lý; Thiết bị bảo vệ an toàn điện; Các thiết bị phụ trợ: thùng chứa, xe đẩy, xe nâng, hệ thống thông thoáng khí...

- Hiệu quả KT-XH: giảm tổn thất, tăng thu nhập cho người nông dân.

- Địa chỉ đã áp dụng: Cty cổ phần sản xuất, dịch vụ & đầu tư Hoà An - Hải Dương, Lâm Đồng, Bình Thuận, chợ đầu mối rau hoa quả Đồng Tháp, Tiền Giang...

4. Hệ thống thiết bị chế biến hạt giống cây trồng qui mô 1-2 tấn/h: Hệ thống thiết bị đồng bộ (sấy hạt, phân loại, làm sạch, xử lý thuốc bảo quản, định lượng, đóng bao) điều khiển tự động, đạt chất lượng hạt giống theo TCVN. Năng suất chế biến: lúa: 1-1,5T/h; ngô: 1,5-2,5T/h; Được nhận “Huy chương vàng” Hội chợ Techmart 2003, “Cúp vàng nông nghiệp 2005” và là một trong 30 kết quả nghiên cứu-chuyển giao nổi bật nhất của các chương trình KHCN cấp Nhà nước giai đoạn 2001-2005.

- Tính mới, khả năng ứng dụng: Thiết bị có nguyên lý và kết cấu tiên tiến nhất hiện nay, lần đầu tiên được ứng dụng ở Việt Nam như máy sấy hạt giống sử dụng nguyên lý sấy hạt tuần hoàn ngoài, tháo liệu bằng khí động; Máy phân loại làm sạch với sàng bằng bi cao su thay thế bàn chải; Trống chọn hạt giống với lỗ đặc biệt; Thiết bị xử lý hạt giống: Cấp liệu và hóa chất xử lý được thực hiện đồng thời bằng cơ cấu múc, sau đó được phun tơi nhờ vòi phun có áp lực cao; Cân định lượng với cơ cấu cấp liệu tinh và thô bằng băng tải.

- Hiệu quả KT-XH: Lượng hạt giống gieo trồng giảm được 6-8%, tiết kiệm được từ 4-15% các hạt nứt, gãy, vỡ để làm thức ăn chăn nuôi; Năng suất cây trồng tăng 4-8%; Độ sạch tăng 5-10% (tùy vào nguyên liệu ban đầu); Chi phí chế biến 1 đơn vị sản phẩm chỉ chiếm 5% giá thành sản xuất và chỉ bằng 30% so với chi phí của các dây chuyền nhập ngoại hiện có trong nước (600-700đ/kg). Giá một dây chuyền thiết bị đồng bộ do trong nước chế tạo chỉ bằng 50-60% giá nhập của các nước trong khu vực, 20-30% giá nhập của các nước EU và Mỹ.

- Địa chỉ đã áp dụng: Đã chuyển giao lắp đặt hơn 40 dây chuyền đồng bộ trên cả nước và hàng trăm thiết bị lẻ cho các công ty, trung tâm và các cơ sở sản xuất giống cây trồng ở nhiều tỉnh trong cả nước như: Hà Nội, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Sơn La, Lào Cai, Điện Biên, Thanh Hoá, Quảng Bình, Đồng Nai...

5. Dây chuyền sản xuất Colophan và tinh dầu thông từ nhựa thông: Dây chuyền qui mô 5000 tấn sản phẩm/năm với công nghệ phù hợp thực tế sản xuất tại Việt Nam, bao gồm các thiết bị chưng cất chân không, ngưng tụ, tháp giải nhiệt, bể nước lạnh, bơm tuần hoàn, bơm hút chân không, bình chân không. Thiết bị có nhiều ưu điểm so với công nghệ nhập khẩu hiện đang sử dụng. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ, Nhật và Hàn Quốc.

- Tính mới, khả năng ứng dụng: Phối hợp quá trình trao đổi nhiệt trong hai thiết bị ngưng tụ nối tiếp với hai nguồn tải nhiệt có chế độ nhiệt khác nhau, nhằm điều khiển nhiệt độ điểm ngưng tụ hóa lỏng của hỗn hợp hơi thứ cấp và hạn chế được khả năng ảnh hưởng của nhiệt độ môi trường.

- Hiệu quả KT-XH: So với công nghệ Nhật Bản hiện đang sử dụng tại Việt Nam: Giảm trên 50% chi phí tiêu thụ nguyên nhiên liệu (điện, than, nước); Tỷ lệ thu hồi sản phẩm tăng 3%; Năng suất dây chuyền tăng 30%; Giảm mức độ gây ô nhiễm môi trường do thu hồi triệt để lượng hơi dầu và nhựa phế thải.

6. Lò đốt tầng sôi phế thải nông lâm nghiệp: Lò đốt công suất: từ 2,5 đến 25 kW, tiêu thụ phế thải: 30 đến 2000 kg/h; Sử dụng vỏ trấu, vỏ cà phê, mùn cưa; Hiệu suất cháy trên 95%;

- Tính mới, khả năng ứng dụng: Lần đầu tiên Việt Nam nghiên cứu thành công lò đốt phế thải nông lâm nghiệp bằng công nghệ đốt tầng sôi nền cát, là công nghệ hiện nay các nước tiên tiến đang sử dụng; Lò đốt tầng sôi phế thải nông lâm nghiệp, cung cấp năng lượng ở dạng khí nóng và hơi nước để làm khô, xử lý nông sản và cung cấp năng lượng dạng khí lò cho các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng;

- Hiệu quả KT-XH: Đã chuyển giao vào sản xuất được 8 hệ thống thiết bị với doanh thu gần 10 tỷ đồng, đem lại hiệu quả kinh tế như sau: chi phí làm khô và xử lý nông sản chỉ bằng 40% so với đốt than đá, 20 % so với dùng dầu. Thay thế nhiên liệu là dầu trong các nhà máy sản xuất xi măng và sử dụng tro lò đốt, nâng cao chất lượng sản xuất xi măng lên 15%, giảm chi phí 8%.

- Địa chỉ đã áp dụng: Cty cà phê Gia Lai, Cty cà phê và cây ăn quả Sơn La, Cty CP CBNS Hà Tây, Cty Holcim Tp. HCM (4 dây chuyền),...

· Khâu bảo quản nông sản

1. Công nghệ bảo quản hạt lương thực qui mô hộ và tập trung: Quy trình công nghệ bảo quản, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) với chất thảo dược Guchungsinh 0,4%, chất hoạt động bề mặt Zeolít 0,1%, dụng cụ thiết bị tồn trữ (silô SL2 nhiều khoanh) kết hợp các phương pháp sơ chế thích hợp (phơi sấy, làm sạch) để bảo quản lúa, ngô, đậu đỗ quy mô hộ và tập trung; Quy trình công nghệ sơ chế bảo quản tổng hợp, xử lý chống thối bằng chất diệt nấm (carbendazim 0,1-0,3%), chống nảy mầm bằng chất điều hòa sinh trưởng (NAA 0,1-0,3%) và chất chống côn trùng (Guchungsinh 0,4%), để bảo quản đảm bảo tiêu chuẩn về VSATTP cho khoai tây, khoai lang, khoai sọ, sắn dạng thương phẩm và làm giống.

- Hiệu quả KT-XH: Giảm tỷ lệ tổn thất hạt lương thực từ 10% xuống còn 3-7% đảm bảo tiêu chuẩn về VSATTP; Giảm tỷ lệ tổn thất sản phẩm cây có củ từ 20-30% xuống dưới 10%; Các qui trình bảo quản sản phẩm cây có củ được ứng dụng cho xuất khẩu hiệu quả kinh tế tăng gấp 2-3 lần.

- Địa chỉ đã áp dụng: trên 50 xã thuộc các huyện của tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hà Tây, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Đắc Lắc, Thái Nguyên, Nghệ An...Khoảng 50% số hộ ở huyện Đan Phượng và Chương Mỹ tỉnh Hà Tây, khoảng 35% số hộ ở huyện Cốc Thành và Hải Hậu tỉnh Nam Định, các huyện Thanh Phong, Ba Sao và Kim Bảng tỉnh Hà Nam đã áp dụng công nghệ bảo quản cây có củ. Các doanh nghiệp tư nhân ở Thanh Phong, Thanh Liêm, Hà Nam; Cty Phát triển XD&XK Sông Hồng ứng dụng công nghệ này đã xuất khẩu được hàng trăm tấn khoai sọ và khoai lang tươi.

2. Chế phẩm bảo quản: Bao gồm chế phẩm hấp phụ ethylen AR3 và TH4 (độ hấp phụ 10 mg/kg) trong bảo quản rau quả tươi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng hiệu quả bảo quản lên 20-40% so với đối chứng, giảm tỷ lệ tổn thất từ 20-25% xuống dưới 10%; Ba loại màng composit sinh học CP01, CP02 và CP03 (2 loại cho quả có múi và 1 loại cho cà chua, dưa chuột) được chế tạo trong nước, giá thành chế phẩm tạo ra chỉ bằng 60-70% giá thành chế phẩm nhập ngoại nhưng có tác dụng kéo dài thời gian bảo quản xoài 15 ngày, cà chua 30 ngày và dưa chuột 17-20 ngày ở điều kiện thường. Chế phẩm sinh học nấm men đối kháng Candida sake, Rhodotorula minuta (108-109CFU/g và chế phẩm vi khuẩn đối kháng Pseudomonas siringae (108-109CFU/g) để bảo quản rau quả. Kết quả sau 30-40 ngày, tỷ lệ hư hỏng <5%, đạt yêu cầu VSATTP.

- Địa chỉ ứng dụng: Đã ứng dụng bảo quản thanh long, vải thiều, cam quy mô lớn ở các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Giang Hưng Yên và Phú Thọ.

3. Công nghệ bảo quản quả vải tươi: Sử dụng công nghệ bao gói khí điều biến (MAP) và công nghệ bảo quản lạnh kết hợp với chất hấp thụ etylen R3 để bảo quản vải tươi với qui mô 30-50 tấn/kho, thời gian bảo quản từ 28-30 ngày, tỷ lệ hao hụt dưới 7%.

- Hiệu quả KT-XH: Tăng giá bán sản phẩm khoảng 150%.

- Địa chỉ đã áp dụng: Đã chuyển giao cho các hộ chuyên doanh vải quả tại vùng vải Bắc Giang, Hưng Yên từ năm 2002 đến nay với qui mô hàng trăm tấn/vụ.

4. Công nghệ “coating” bảo quản cam, bưởi thanh trà: Bảo quản cam, bưởi thanh trà bằng công nghệ “coating” (dùng chế phẩm bảo quản phủ màng bán thấm trên bề mặt quả) là công nghệ tiên tiến lần đầu áp dụng ở Việt Nam. Chế phẩm BQE 15 (ăn được) đáp ứng tiêu chuẩn FDA-21 CFR của Mỹ và tiêu chuẩn EU 2002/72 EC của châu Âu.

- Hiệu quả KT-XH: Đảm bảo thời gian bảo quản 90-100 ngày, tổn thất dưới 5%, đảm bảo chất lượng: Hương thơm đặc trưng, vỏ quả căng bóng.

- Địa chỉ đã áp dụng: Bảo quản cam tại Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình, Nghệ An, với qui mô trên 500 tấn. Bảo quản bưởi thanh trà tại Thừa Thiên Huế qui mô 500kg/hộ.

· Cơ giới hoá phục vụ chăn nuôi

1. Cơ giới hoá chuồng trại: hệ thống thiết bị phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung kiểu công nghiệp như thiết bị nhà lồng cho gà, cơ giới hoá chuồng trại chăn nuôi lợn, bò...

- Tính mới, khả năng ứng dụng: có nhiều ưu điểm so với nhập ngoại như qui mô phù hợp, giá thành thấp.

- Hiệu quả kinh tế: Giá chỉ bằng 50-70% giá máy ngoại, phù hợp với điều kiện sản xuất của ta; Năng suất lao động tăng. Góp phần phát triển chăn nuôi tập trung, công nghiệp.

- Địa chỉ đã áp dụng: hệ thống thiết bị nuôi gà lồng quy mô trang trại 2000 - 4000 con ứng dụng tại trang trại nuôi gà đẻ trứng tại Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế.

2. Cơ giới hoá giết mổ: Hệ thống thiết bị giết mổ gà quy mô 150-250 con/h và giết mổ lợn quy mô 20-30 con lợn thịt /h. Giá thành chỉ bằng 30 % so với nhập ngoại cùng công suất.

- Địa chỉ đã áp dụng: Cty Công trình đô thị - thị xã Tân An, Long An; Cty Chăn nuôi Tiền Giang, Châu Thành, Tiền Giang; Cơ sở giết mổ gia cầm tập trung thị xã Sa Đéc - Tân Phú Đông, Sa Đéc, Đồng Tháp; HTX giết mổ gia cầm Trà Vinh- Trà Vinh; Cty Thực phẩm xanh Hà Nội, Hoài Đức- Hà Tây; Ban Quản lý chợ Hội An - Cẩm Hà, TX Hội An, Quảng Nam.

3. Công nghệ và hệ thống thiết bị chế biến thức ăn viên thô cho bò: Bao gồm: Máy nghiền nguyên liệu tinh và thô, thiết bị trộn, thiết bị tạo viên thức ăn thô, thiết bị giảm ẩm. Năng suất 500 kg/h;

- Tính mới, khả năng ứng dụng: Tạo được viên cho bò ăn trực tiếp không phải qua khâu làm nhỏ trước khi cho bò ăn. Thiết bị tạo viên được chế tạo theo nguyên lý vít me, năng suất 500 kg/h, kích thước viên 10 x 10 mm, độ ẩm 13%, có thể bảo quản 3-4 tháng. Thiết bị giảm ẩm thức ăn viên thô là máy sấy kiểu trống quay với tốc độ quay 5 vòng/phút, năng suất 500 kg/h

- Địa chỉ áp dụng: Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế, Trung tâm bò giống Ba Vì, Cty Tây Nguyên, Cty Giống cây trồng- vật nuôi Thừa Thiên-Huế...

4. Công nghệ và thiết bị sản xuất thịt quả cà phê lên men làm thức ăn gia súc:

- Tính mới, khả năng ứng dụng: Nâng cao hoạt tính và khả năng ổn định của các chủng Aspergillus niger bằng kỹ thuật đột biến có chọn lọc, có hoạt tính cao gấp 2-3 lần so với chủng tự nhiên để ứng dụng trong lên men thịt quả cà phê.

- Hiệu quả KT-XH: Tăng thu nhập cho doanh nghiệp, tăng nguồn thức ăn có giá trị dinh dưỡng cho ngành chăn nuôi và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

- Địa chỉ đã áp dụng: Trại chăn nuôi bò của Cty cà phê Eapok và trại nuôi cá Eatam, Đắk Lắk.

5. Hệ thống thiết bị chế biến thức ăn chăn nuôi 5-10 tấn /h: Các dây chuyền thiết bị chế biến thức ăn chăn nuôi (tACN) dạng bột, dạng viên công suất từ 5-10 tấn/h đồng bộ điều khiển tự động, bán tự động.

- Hiệu quả KT-XH:Chất lượng sản phẩm TACN đạt TCVN và không thua kém nhập ngoại. Góp phần đáng kể vào việc chế biến TACN tổng hợp ở các địa phương, giá thành đầu tư chỉ bằng 30-50% so với thiết bị nhập.

Địa chỉ đã áp dụng: Đã chuyển giao hàng trăm dây chuyền và hàng nghìn thiết bị lẻ cho nhiều nơi trong cả nước, kể cả cho 8 tỉnh ở nước bạn Lào.

· Áp dụng công nghệ sinh học trong sản xuất phân bón

1. Dây chuyền thiết bị sản xuất phân hữu cơ vi sinh

Qui mô 10.000-15.000 tấn/năm, dây chuyền được CGH đồng bộ từ chuẩn bị nguyên liệu (cào, đảo, trộn, ủ) đến định lượng, nghiền, trộn, vê viên, đóng bao.

- Sản phẩm: Máy đảo nguyên liệu trên sân; Máy nghiền nguyên liệu; Máy sàng nguyên liệu; Thiết bị định lượng; Máy trộn; Các thiết bị phụ trợ khác.

- Hiệu quả KT-XH: Tận dụng được các phế thải của nhà máy đường, làng nghề trồng nấm, than bùn ở các địa phương để sản xuất loại phân bón có giá trị kinh tế cao. Dây chuyền đã được tặng Huy chương TECHMART 2003.

- Địa chỉ đã áp dụng: Đã chuyển giao nhà máy cho Tiền Giang, Kiên Giang, Thanh Hoá, Nghệ An và xuất khẩu sang Lào.

2. Phân bón vi sinh đa chủng đa chức năng: Phân bón được chế xuất bằng công nghệ vi sinh dùng cho cây lương thực, cây rau, cây màu.

- Hiệu quả KT-KT: Góp phần làm tăng 10-15% năng suất (lúa, rau, khoai tây), giảm 90 % tỷ lệ nitrat trong nông sản, góp phần cải tạo đất (phân bón cố định ni tơ).

- Địa chỉ đã áp dụng: Đã triển khai trên diện rộng tại vùng khoai tây Quế Võ (Bắc Ninh), vùng rau (Gia Lâm và Đông Anh), lúa, ngô Yên Thành (Nghệ An).

Cùng nhiều máy móc, thiết bị đơn lẻ khác về làm đất, thu hoạch, bảo quản chế biến, nuôi trồng thuỷ sản, các thiết bị điện và năng lượng tái tạo đó được nghiên cứu và chuyển giao phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhìn chung các công nghệ và thiết bị do Viện chuyển giao vào sản xuất đều có hiệu quả cao, chi phí năng lượng riêng thấp, giảm cường độ lao động, giảm giá thành sản phẩm và nâng cao chất lượng nông sản hàng hoá. Giá thiết bị và công nghệ phù hợp với mức thu nhập và khả năng tích luỹ hiện nay của nông dân, chủ trang trại, các xí nghiệp sản xuất chế biến nhỏ và vừa, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động trong sản xuất nông nghiệp. Việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu về công nghệ và hệ thống máy móc thiết bị của Viện đã tiết kiệm được một số lượng không nhỏ về ngoại tệ cho Nhà nước trong việc nhập thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp.

II. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN KH - CN TRONG THỜI GIAN TỚI

2.1. Phương hướng phát triển

1. Trong nghiên cứu cơ bản, ưu tiên tập trung vào lĩnh vực công nghệ sinh học sau thu hoạch và công nghệ tự động hoá trong cơ điện nông nghiệp và xử lý sau thu hoạch. Đẩy nhanh việc ứng dụng một số công nghệ cao, công nghệ mới phục vụ nông nghiệp như kỹ thuật bảo quản bằng phương pháp CA, MA; làm khô nông sản bằng kỹ thuật bơm nhiệt, bức xạ hồng ngoại.

2. Phát triển cơ giới hoá nông nghiệp có trọng điểm, có chọn lọc: ưu tiên phát triển nhanh cơ giới hoá các lĩnh vực trọng điểm như canh tác, thu hoạch, chế biến nông sản, chế biến giống. Nghiên cứu chế tạo có trọng điểm, có chọn lọc cơ giới vận tải và phục vụ ngành nghề nông thôn. Trong 10 năm tới, cơ giới hoá nông nghiệp lấy loại vừa và nhỏ là chủ yếu. Nâng cao trình độ nghiên cứu thiết kế, chế tạo, kết hợp chặt chẽ với việc nhập, tiếp nhận, sử dụng và cải tiến.

3. Tăng cường nghiên cứu, khai thác, phổ biến kỹ thuật tưới tiết kiệm nước nhằm nâng cao hiệu suất sử dụng nước.

4. Đẩy nhanh việc phát triển công nghiệp sản xuất thức ăn và trang bị chuồng trại chăn nuôi: Nghiên cứu công nghệ và thiết bị chế biến, bảo quản thức ăn tươi xanh, công nghệ và thiết bị lên men sản xuất axít amin. Xây dựng tiêu chuẩn, đảm bảo và quản lí chất lượng thức ăn chăn nuôi. Nhanh chóng nắm vững kỹ thuật đồng bộ về thiết kế xây dựng chuồng trại và kiểm soát môi trường chăn nuôi.

5. Xây dựng hệ thống bảo quản, vận chuyển có hiệu quả cao, an toàn vệ sinh thực phẩm và khả năng cơ giới hoá cao. Phát triển mạnh kỹ thuật bảo quản tại chỗ và bảo quản cho vận chuyển nhằm làm giảm tổn thất và đảm bảo cung cấp đầy đủ về chất lượng và số lượng cho người tiêu dùng trong cả nước.

6. Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ chế biến nông sản, thực phẩm và đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Trước hết ưu tiên hiện đại hoá công nghệ chế biến gạo, rau, quả, dầu thực vật, sản phẩm chăn nuôi.

7. Tổng hợp lợi dụng tài nguyên tái sinh theo hướng tận dụng phụ phế phẩm công nghiệp chế biến và phụ phế phẩm nông nghiệp để sản xuất các sản phẩm mới phục vụ trở lại cho sản xuất nông nghiệp như phân bón sinh học, thức ăn chăn nuôi và các chế phẩm sinh học.

8. Khai thác sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp và chế biến nông lâm thuỷ sản ở các địa phương có điều kiện phù hợp.

9. Chuyển giao công nghệ, tư vấn đầu tư, đào tạo tập huấn, dịch vụ kỹ thuật và sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực cơ điện nông nghiệp và sau thu hoạch. Xây dựng và trình diễn các mô hình sản xuất áp dụng công nghệ và TBKT về cơ điện nông nghiệp và sau thu hoạch.

10. Kiểm tra và giám định kỹ thuật thiết bị, máy móc nông nghiệp và chất lượng nông sản: Xây dựng năng lực KH-CN đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

11. Xử lí ô nhiễm môi trường trong hoạt động chế biến nông sản, các làng nghề và trong sản xuất nông nghiệp. Nghiên cứu các biện pháp tiên tiến xử lí chất thải.

Kinh tế - kỹ thuật: Tập trung lập cơ sở dữ liệu đầy đủ và chính xác nhằm xây dựng các luận chứng kinh tế - kỹ thuật cho các chương trình, đề tài, dự án lớn có tính đột phá. ưu tiên các vấn đề có quy mô triển khai quốc gia, có ý nghĩa kinh tế xã hội lớn. Nghiên cứu và phổ biến về sử dụng, bảo quản và hồi phục một số thiết bị và máy móc đang sử dụng phổ biến trong sản xuất nông nghiệp.

2.2. Nhiệm vụ KH-CN

Lĩnh vực nghiên cứu cơ giới hoá sản xuất cây trồng chính

1. Nghiên cứu hoàn thiện thiết kế và chế tạo máy liên hợp thu hoạch lúa và máy cấy lúa. Hoàn thiện quy trình công nghệ và thiết bị đồng bộ sản xuất mạ khay công nghiệp.

2. Nghiên cứu lựa chọn quy trình công nghệ và hệ thống máy-thiết bị cho mô hình sản xuất lúa theo hướng cơ giới hóa đồng bộ ở đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng.

3. Nghiên cứu thiết kế, chế tạo máy thu gom và đập lúa tự hành năng suất 0,3 ha/giờ.

4. Nghiên cứu hoàn thiện liên hợp máy thu bắp ngô, máy gieo hạt ngô, tiến tới thực hiện cơ giới hoá đồng bộ sản xuất cây ngô.

5. Nghiên cứu hoàn thiện và chế tạo liên hợp máy thu hoạch mía tự hành. Nghiên cứu thiết kế, chế tạo liên hợp máy trồng mía.

6. Nghiên cứu chế tạo các loại máy rạch hàng, lên luống, máy thu hoạch cây có củ.

7. Nghiên cứu hoàn thiện thiết kế, chế tạo máy liên hợp thu hoạch lạc. Nghiên cứu thiết kế chế máy liên hợp thu hoạch đỗ tương.

8. Nghiên cứu, tuyển chọn và thiết kế các cơ cấu di động, hệ truyền lực và các loại phương tiện động lực di động dùng trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ lợi.

Lĩnh vực nghiên cứu tưới tiết kiệm nước

1. Thiết kế và chế tạo các hệ thống tưới phun mưa, nhỏ giọt, phun sương, tưới kín, tưới hở, tưới kết hợp cung cấp chất dinh dưỡng, thiết bị thu hồi và xử lý nước thải, thiết bị thu và tưới phun nước mưa.

2. Xây dựng các phương án tưới tiết kiệm nước và chăm sóc tích cực gắn với các nhà ươm, nhà trồng sản xuất rau sạch và hoa quả.

Lĩnh vực nghiên cứu cơ giới hoá chăn nuôi

1. Nghiên cứu thiết bị và công nghệ sơ chế, bảo quản và chế biến thức ăn chăn nuôi tươi xanh, tổng hợp dạng bột và dạng viên.

2. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ và chế tạo hệ thống thiết bị phục vụ cơ giới hoá và trang bị chuồng trại theo hướng chăn nuôi công nghiệp.

3. Thiết kế, chế tạo thiết bị giết mổ, dây chuyền chế biến thịt.

4. Nghiên cứu công nghệ và thiết bị thu gom, bảo quản và chế biến rơm rạ sử dụng có hiệu quả.

Lĩnh vực nghiên cứu cơ giới hoá sản xuất muối

1. Nghiên cứu các máy thu gom muối cỡ nhỏ và vừa cho các vùng muối phơi nước tập trung.

2. Nghiên cứu các thiết bị sơ chế muối trên đồng (nghiền rửa sơ bộ, gom đống và chất tải lên phương tiện chuyên chở).

3. Nghiên cứu cơ giới hóa và hợp lý hóa một số khâu trong sản xuất muối phơi cát.

4. Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ và thiết bị chế biến muối ăn và muối công nghiệp (nghiền rửa, phân ly bằng thuỷ lực, tách lọc bùn cát trong muối tinh, ly tâm liên tục, sấy muối theo phương pháp tầng sôi, trộn các thành phần vi lượng, cân định lượng đóng bao).

Lĩnh vực nghiên cứu bảo quản và vận chuyển nông sản

1. Nghiên cứu các công nghệ và thiết bị trong hệ thống nhà sơ chế rau quả tươi (packing house) cho vùng sản xuất nguyên liệu và các đô thị có sức tiêu thụ lớn.

2. Nghiên cứu công nghệ và thiết bị cho hệ thống kho bảo quản nông sản, đặc biệt cho quy mô hộ và trang trại; ưu tiên công nghệ và thiết bị bảo quản lạnh có điều tiết khí.

3. Nghiên cứu công nghệ và thiết bị trong hệ thống vận chuyển rau quả tươi hai chiều Bắc - Nam nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, giảm tổn thất.

4. Nghiên cứu công nghệ và thiết bị sơ chế, bảo quản tập trung một số loại rau, quả, hoa tươi.

5. Nghiên cứu sản xuất một số chế phẩm sinh học, hoá học sử dụng trong bảo quản rau, quả, hoa tươi.

6. Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ và thiết bị sản xuất chế phẩm bảo quản (chế phẩm tạo màng) dùng trong bảo quản một số rau quả tươi.

7. Nghiên cứu sản xuất một số chế phẩm vi sinh để phòng chống nấm sinh độc tố và độc tố nấm mốc aflatoxin, ochratoxin A trên ngô, lạc, cà phê.

8. Nghiên cứu lựa chọn bao bì và vật liệu thích hợp (kể cả màng bao thông minh và bao bì chỉ thị hạn sử dụng nông sản) cho vận chuyển, bảo quản và lưu thông nông sản nhằm nâng cao chất lượng, giảm tổn thất.

9. Nghiên cứu áp dụng kỹ thuật bảo quản nông sản (bao gồm cả sản phẩm chăn nuôi) không dùng hoá chất bằng các phương pháp sinh học và vật lý (chiếu xạ, nhiệt độ cao, nhiệt độ thấp, điều chỉnh khí).

10. Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ và hệ thống thiết bị sơ chế một số loại rau quả ở dạng bán thành phẩm (paste, pure, chế biến sẵn) đáp ứng yêu cầu nguyên liệu của trung tâm chế biến, phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.

Lĩnh vực nghiên cứu chế biến và đa dạng hoá nông sản, thực phẩm

1. Nghiên cứu công nghệ và thiết bị chế biến và đa dạng hoá sản phẩm (gạo, ngô, khoai, rau quả các loại, gia vị, cà phê, ca cao, điều, đậu đỗ).

2. Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ trong dây chuyền cơ khí hóa, tự động hóa chế biến hạt điều.

3. Nghiên cứu công nghệ và hệ thống thiết bị chế biến hạt thóc giống, từng bước mở rộng cho các loại hạt khác.

4. Nghiên cứu nâng cao công nghệ sản xuất một số sản phẩm truyền thống ở qui mô công nghiệp.

5. Nghiên cứu chế biến thực phẩm chức năng và thức ăn bổ dưỡng.

6. Nghiên cứu sử dụng các enzym nhằm nâng cao chất lượng chế biến nông sản (rau quả, nước uống, sữa lên men, mềm hoá thịt).

7. Nghiên cứu ứng dụng một số phương pháp chế biến mới (tinh bột biến tính, phân ly siêu lọc, nghiền đồng thể bằng siêu âm, xử lí cao áp, chân không, công nghệ sinh học) để tiến hành chế biến tinh sâu nông sản có giá trị, đa dạng hoá các sản phẩm chế biến đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

8. Nghiên cứu chế biến sản phẩm thịt và các phụ phẩm giết mổ (nghiền xương, tách chiết protein và huyết sắc tố động vật). Nghiên cứu cải thiện hương vị của thịt.

9. Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị siêu âm công suất 1,5kW và ứng dụng trong làm sạch, chiết xuất các hợp chất tự nhiên từ họ củ gừng.

Lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo quản, chế biến nông sản

1. Nghiên cứu các hoạt chất sinh học có trong nông sản hay vi sinh vật có tác dụng tích cực đến chất lượng bảo quản và chế biến nông sản (tạo màu, mùi, kháng khuẩn).

2. Phân lập và tuyển chọn các chủng vi sinh vật có hoạt tính sinh học cao và phát triển công nghệ gen trong chọn tạo; nghiên cứu bản chất di truyền của nông sản trong việc kháng lại côn trùng hại kho.

3. Nghiên cứu sản xuất các chất bảo quản sinh học dùng trong chế biến cũng như phòng chống côn trùng, nấm mốc trong bảo quản nông sản thực phẩm.

4. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất thức ăn bổ sung, thức ăn chăn nuôi, phân bón vi sinh.

5. Nghiên cứu sử dụng biện pháp công nghệ sinh học để tái sử dụng phụ phế phẩm nông nghiệp (sinh khối thực vật, chất thải công nghiệp chế biến, các dạng thực vật khác) nhằm nâng cao giá trị và đảm bảo vệ sinh môi trường.

Lĩnh vực nghiên cứu điện khí hoá và tự động hoá trong sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản

1. Nghiên cứu hệ thống thiết bị tự động hoá ứng dụng trong dây chuyền chế biến hạt giống, chế biến thức ăn chăn nuôi tổng hợp, chế biến bảo quản nông sản.

2. Nghiên cứu hệ thống thiết bị điện chuyên dùng trong cơ giới hoá bảo quản, chế biến và chăn nuôi.

3. Nghiên cứu hệ thống thiết bị sử dụng năng lượng điện phục vụ cơ giới hoá trồng trọt và tưới tiêu.

4. Nghiên cứu một số công nghệ điện và hệ thống thiết bị khai thác năng lượng mới và năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản và sinh hoạt nông thôn.

Lĩnh vực nghiên cứu tận dụng phụ phế phẩm và bảo vệ môi trường nông nghiệp

1. Tham gia điều tra, đánh giá phụ phế phẩm nông nghiệp, chế biến thực phẩm; mức độ và nguồn ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Kiểm tra môi trường theo yêu cầu của cơ quan quản lí và cơ sở sản xuất.

2. Nghiên cứu công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường nước tưới (xử lý ô nhiễm vi sinh vật, kim loại nặng, nhiễm mặn, phèn chua).

3. Nghiên cứu công nghệ xử lý các phụ phế phẩm và nguồn gây ô nhiễm môi trường (rắn, lỏng, khí) trong nông nghiệp ở các cơ sở chế biến nông sản, cơ sở giết mổ, chế biến hải sản, thuộc da, các làng nghề, doanh nghiệp nông thôn vừa và nhỏ.

Lĩnh vực nghiên cứu kinh tế - kỹ thuật

1. Điều tra cơ bản để lập cơ sở khoa học cho các dự án phát triển cơ - điện khí hoá, tự động hoá phục vụ sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp và tưới tiêu của các địa phương điển hình thuộc 7 vùng kinh tế nông nghiệp.

2. Nghiên cứu định hướng chiến lược, dự báo phát triển ngành cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch Việt Nam.

3. Điều tra, đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội của các qui trình công nghệ bảo quản, chế biến nông sản.

4. Nghiên cứu về sử dụng và đánh giá hiệu quả kinh tế của công nghệ và thiết bị, máy móc cơ điện trong sản xuất nông nghiệp.

5. Nghiên cứu các phương pháp bảo quản và hồi phục máy, thiết bị nông nghiệp và chế biến.

2.3. Nhiệm vụ trọng tâm mang tính đột phá

1. Nghiên cứu thiết kế, chế tạo và hoàn thiện kỹ thuật của một số khâu còn yếu để thực hiện cơ giới hoá đồng bộ sản xuất một số cây trồng chính bao gồm máy cấy và quy trình thiết bị sản xuất mạ non quy mô tập trung; máy gieo ngô, lạc, đậu, máy thu hoạch lạc, máy trồng và thu hoạch mía. Đồng thời bắt đầu nghiên cứu một số kỹ thuật mới như phương pháp canh tác bảo vệ đất (làm đất tối thiểu, máy băm thân lá cây rải ruộng...).

2. Nghiên cứu các công trình về động lực, năng lượng, năng lượng thay thế theo hướng tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường; thiết kế, chế tạo hệ thống di động áp lực thấp làm việc trên nền đất yếu, các bộ phận làm việc chống bám, giảm lực cản; các phương pháp khởi động thuỷ lực.

3. Nghiên cứu hệ thống máy và thiết bị bao gồm máy làm đất mini, hệ thống tưới tiết kiệm nước, cung cấp dinh dưỡng, tạo tiểu khí hậu, hệ thống quản lý điều khiển để phục vụ sản xuất rau màu, hoa quả trong nhà lưới, nhà kính.

4. Tập trung nghiên cứu công nghệ tiên tiến, đồng bộ, đặc biệt các kỹ thuật sấy mới để sản xuất, chế biến các loại hạt giống chất lượng cao.

5. Nghiên cứu công nghệ và thiết bị phục vụ công nghiệp chế biến, chú trọng chế biến tinh sâu, chế biến thực phẩm chức năng và đa dạng hoá sản phẩm từ lương thực và rau quả.

6. Nghiên cứu công nghệ và thiết bị trong hệ thống kho bảo quản nông sản, ưu tiên công nghệ và thiết bị bảo quản lạnh có điều tiết, nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để tạo ra một số chế phẩm sinh học phục vụ bảo quản nông sản. Nghiên cứu công nghệ, vật liệu và thiết bị sản xuất bao bì phục vụ vận chuyển, bảo quản nông sản.

7. Nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống thiết bị phục vụ cơ giới hoá chăn nuôi, trang bị chuồng trại theo hướng chăn nuôi công nghiệp. Cơ giới hoá bảo quản, chế biến thức ăn tươi xanh, các dạng thức ăn tổng hợp cho chăn nuôi.

8. Nghiên cứu công nghệ điện và hệ thống thiết bị tự động hoá phục vụ một số dây chuyền công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản và chăn nuôi.

9. Nghiên cứu kỹ thuật và công nghệ tận dụng, xử lý phụ phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản, nâng cao chất lượng và giá trị phụ phẩm.

III. KIẾN NGHỊ

Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển nền sản xuất nông nghiệp theo hướng CNH, HĐH. Các thành tựu KHCN về cơ điện nông lâm nghiệp và công nghệ sau thu hoạch có tác dụng thúc đẩy sản xuất theo hướng thâm canh, tăng năng suất, giảm chi phí lao động, tăng giá trị nông sản hàng hoá, đổi mới bộ mặt nông thôn. Vì vậy, để lĩnh vực Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch có điều kiện phát triển mạnh hơn nữa, Viện có một số kiến nghị sau:

1. Triển khai việc điều tra, khảo sát thực trạng cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch của cả nước, làm cơ sở để xây dựng chiến lược nghiên cứu dài hạn cho 5-10-20 năm tới.

2. Xây dựng mô hình nhà máy chế tạo máy nông nghiệp có vai trò bà đỡ của nhà nước, trong đó chú trọng chế tạo máy kéo và máy thu hoạch với công nghệ chế tạo tiên tiến, có như vậy mới tạo ra được hàng hóa chất lượng cao, giá thành hợp lý phục vụ quá trình CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn.

3. Tiếp tục xây dựng các ĐT/DA về cơ giới hóa đồng bộ một số cây trồng chính, có khối lượng lớn, tốn nhiều nhân công như lúa, mía, ngô và cà phê, nhằm giải quyết vấn đề bức xúc lao động, giảm sức ép thời vụ, giảm thất thoát sau thu hoạch và tăng năng suất cây trồng.

4. Xây dựng đề án phát triển KHCN trong lĩnh vực sơ chế, bảo quản, chế biến, vận chuyển nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch nông sản thực phẩm.

5. Nên có ĐT/DA cấp nhà nước nghiên cứu xây dựng mô hình sấy lúa xuất khẩu chất lượng cao ở ĐBSCL với quy mô công nghiệp, nhằm phục vụ cho các công ty chế biến và xuất khẩu gạo, các chợ đầu mối và các kho dự trữ lớn.

6. Nên có ĐT/DA nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm tăng hiệu quả kinh tế, xã hội của sản xuất nông nghiệp trong tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

7. Xây dựng mạng lưới thi trường có qui mô khác nhau, gắn sản xuất với tiêu thụ, chuyển giao công nghệ sau thu hoạch, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm

 

  • Gửi mail cho bạn bè
  •     
  • In trang này ra giấy
  •     
  • Đưa ra file pdf
  •     
 
Các tin khác:
 
Đăng nhập
A value is required.
A value is required.
 
 
# Thời tiết
Thứ năm, 25 / 04 / 2024
# Giá vàng
 

# Tỷ giá